Điều kiện cần để có thể "Just do it!"
NOTE: Bài viết này hoàn toàn là những quan điểm cá nhân, dựa vào hành trình làm việc và phát triển của cá nhân mình, không có bất kì dẫn chứng hay dựa vào bất kì nghiên cứu nào hết.
Giai đoạn vừa mới ra trường và cũng mới đi làm được một thời gian ngắn, mình làm việc cực kỳ hiệu quả, ít nhất là được mọi người đánh giá tốt đối với một đứa mới ra trường.
Lúc đó mình gần như tập trung 100% vào những việc mình cần làm, tận hưởng việc được code, đơn giản là “just do it!”, bởi vì mình giỏi nhất là code, vậy thì sao phải nghĩ quá nhiều? Just coding and make something great! Đúng không?
Hơn 1 năm sau, mình cùng một vài anh chị đồng nghiệp tách ra riêng và thành lập một startup với hi vọng sẽ có những đóng góp có giá trị cho thế giới này (ít nhất là đối với mình), ban đầu mình vẫn nghĩ rất đơn giản, mình là dân technical, vậy thì mình sẽ chỉ tập trung làm việc mình giỏi nhất, mình sẽ coding để hiện thực hóa idea của các thành viên trong team, mình sẽ không tham gia vào việc ra các quyết định cho business, cho project,… Mình “tin rằng” mình chỉ việc tin tưởng vào team vì mỗi người đều có một vai trò riêng, đúng không?
Cho đến hiện tại, khi mọi thứ đã đi vào hoạt động đủ lâu, các conflict trong team diễn ra hàng ngày, bức tranh màu hồng được vẽ ra những ngày đầu tiên gần như đã trở nên xám xịt, nó giúp mình nhận ra bản thân đang và đã trở thành một phiên bản mà mình từng coi thường nhất.
Mình không còn tin tưởng vào đồng nghiệp, không tin tưởng vào những quyết định mà họ đưa ra, những tương lai mà “họ nói là” họ muốn hướng đến, mình suy nghĩ và đặt câu hỏi liệu rằng một việc có đúng hay không đối bất cứ yêu cầu gì mà họ đưa ra. Bạn thấy đó, nó gần như thiêu rụi tâm trí cũng như quỹ thời gian, năng lượng, sự quyết tâm mà mình cần để có thể tập trung vào làm việc của một người technical. Nhưng quan trọng hơn hết, việc này đã đi ngược hoàn toàn với những gì mà mình nói là mình sẽ làm ngay từ đầu - Đó là chỉ quan tâm và làm những gì tốt nhất về mặt technical cho team.
Sa đọa vào mạng xã hội và giải trí, mình vốn là một người ghét mạng xã hội, mình cho rằng mạng xã hội đem lại những năng lượng tiêu cực nhiều hơn rất nhiều so với những điều tích cực, và hơn hết là nó lãng phí thời gian của con người, thay vì đốt thời gian trên mạng xã hội thì ta có thể làm ra được rất nhiều thứ khác có ích cho bản thân ta và tất nhiên là cho xã hội ngoài kia. Nhưng bạn biết đó, vào giai đoạn mà mình bị mất phương hướng trong công việc, mắc kẹt giữa just do it và why I should do it?, hậu quả là mình không làm được gì hết, đúng vậy, khi bạn không biết phải làm gì thì kết quả rõ ràng là bạn sẽ không làm được gì cả. Và khi không biết làm gì thì mình bắt đầu tìm cách lẩn trốn và giết thời gian bằng … mạng xã hội!? (so bad)
Nóng giận, thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc, well, mình không còn đơn thuần là một chàng trai trẻ “không bao giờ nổi giận” nữa. Khi bản thân bị mắc kẹt giữa quá nhiều vấn đề mà mình không biết cách giải quyết, hay đơn giản là không đủ khả năng để giải quyết thì mình đã trở nên khó kiểm soát được cảm xúc của bản thân, mình không còn đủ khả năng đưa ra những lập luận có sức thuyết phục người khác, thay vào đó thì mình đã tranh cải để giải quyết vấn đề - một cách làm mà mình ghét nhất… Nhiều người cho rằng tranh cải là điều cần thiết để một tập thể phát triển nhưng mình không nghĩ vậy, đơn giản là tranh cải có thể giúp đưa ra quyết định cuối cùng khi một người chịu thua hoặc người khác được nhiều sự ủng hộ hơn, nhưng tựu chung nó giết chết bầu không khí của sự sáng tạo, mình tin như vậy.
Nói nhiều hơn làm, bào chữa cho những sai lầm,… và rất nhiều thứ tồi tệ nữa, nhìn chung thì đều là những tính cách bản thân đã từng coi thường nhất!
Tại sao? …
Ngồi uống cà phê vào một ngày chủ nhật cuối tuần, mình chiêm nghiệm lại những vấn đề đó và nhận ra rằng tất cả đều xuất phát từ một nguyên nhân gốc rễ - sự TÍNH TOÁN QUÁ NHIỀU. Không phải chỉ bản thân, mà còn cả các đồng nghiệp của mình.
Đúng, nhiều bạn sẽ nói rằng cuộc sống này, xã hội này không đơn giản để ta có thể làm việc một cách hoang dại, một cách thiếu tính toán, mọi người đều tính toán, làm sao một tập thể có tồn tại khi không có sự toan tính? Nó hoàn toàn đúng nếu bạn muốn làm việc vì … tiền. Để kiếm tiền, bạn cần tính toán thiệt hơn, bạn cần đưa ra các quyết định giúp đảm bảo tài chính và sự tồn tại của một tập thể.
Nhưng, những tính toán thiệt hơn đó vô hình sẽ khiến bạn không thể tạo ra được những giá trị mà bản thân hướng đến, bởi vì để tạo ra được những thứ có giá trị thì bạn sẽ phải hi sinh lợi ích về tài chính, hi sinh sự thoải mái, ép bản thân thoát khỏi vùng an toàn. Những thiệt thòi đó sẽ được bù lại thỏa đáng SAU KHI sản phẩm của bạn hoàn thành và đem lại giá trị thực sự cho xã hội, phải là SAU. Bạn thấy đó, sự toan tính sẽ khiến bạn khó mà hi sinh lợi ích để đạt được giá trị mong muốn.
Và không chỉ bản thân chúng ta cần hướng tới giá trị đó, mà phải là tất cả đồng đội của chúng ta cũng phải hướng tới cùng một mục tiêu như vậy, không hơn thua, không so đo, không tư lợi, không hướng tới cái lợi nhuận trước mắt. Nghe có vẻ hoãn huyền đúng không, nhưng mình cần phải tìm được một team như thế để có thể “just do it”, bất kể có làm điều gì đi nữa thì “con người” luôn là quan trọng nhất.
Và hơn hết là đối với người làm technical thì điều này lại càng đúng, vì sự toan tính vốn chỉ phù hợp với các ngành liên quan đến business, hoàn toàn không đem lại giá trị cho dân technical.
Nếu vẫn chưa tìm được một team như vậy, thì… hãy tiếp tục tìm, vì đó là điều kiện cần để bắt đầu, điều kiện cần để chúng ta có thể “Just do it” và tạo ra được giá trị mà chúng ta mong muốn.
À bài này mình nhắc đến chữ giá trị khá nhiều, đối với mình những thứ có giá trị là những thứ đem lại lợi ích hoặc giải quyết được bất kì vấn đề nào trong cuộc sống cho người khác ở bất cứ lĩnh vực nào. Đó có thể là những nghiên cứu khoa học, robot hỗ trợ người tàn tật, các nghiên cứu cải tạo đất trồng rừng, bảo tồn động vật,… hay đối với lĩnh vực của mình thì có thể kể đến như là làm ra một mạng xã hội không độc hại thay thế cho facebook, tiktok chẳng hạn. Còn những việc ví dụ như làm ra một trang web bán hàng thông thường, hay làm ra những thứ vốn đã có đầy rẫy trên thị trường thì đối với cá nhân mình nó không mang lại giá trị, vì cho dù mình không làm thì cũng có đầy người khác làm rồi, không giải quyết được vấn đề nào của xã hội hết.
Câu cú có hơi lủng củng, mong các bạn bỏ qua ^^